FV - Bộ Công an đề xuất thêm quy định mới là hành vi không có giải pháp ngăn cháy đối với khu vực sạc điện cho xe động cơ điện tập trung trong nhà với mức phạt từ 40-50 triệu đồng.
Đây là một trong những đề xuất đáng chú ý nêu trong Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ mà Bộ Công an đang lấy ý kiến rộng rãi.
Theo đó, dự thảo Nghị định đề xuất phạt tiền từ 06 - 08 triệu đồng đối với hành vi lắp đặt, sử dụng dây dẫn điện, thiết bị điện, thiết bị đóng ngắt, bảo vệ không bảo đảm an toàn phòng cháy theo quy định.
Dự thảo Nghị định cũng đề xuất mức phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng đối với một trong những hành vi, như: sử dụng thiết bị điện không bảo đảm yêu cầu phòng nổ theo quy định trong môi trường nguy hiểm cháy, nổ; không duy trì hoặc không bảo đảm hệ thống điện phục vụ phòng cháy, chữa cháy (PCCC) theo quy định.
Phạt tiền từ 25 - 30 triệu đồng đối với hành vi không có hệ thống điện phục vụ PCCC theo quy định.
Đáng chú ý, đối với hành vi không có giải pháp ngăn cháy đối với khu vực sạc điện cho xe động cơ điện tập trung trong nhà được đề xuất mức phạt từ 40 - 50 triệu đồng.
Trong trường hợp vi phạm để xảy ra cháy bị phạt tiền gấp hai lần mức phạt đối với một số hành vi nêu trên nhưng không quá 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức.
Ngoài việc bị xử phạt hành chính, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc lắp đặt, duy trì thiết bị điện là loại phòng nổ; buộc lắp đặt, duy trì hệ thống điện phục vụ PCCC.
Theo Bộ Công an, một số hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật hiện hành còn thiếu biện pháp khắc phục hậu quả và có mức phạt tương đối thấp chưa có tính răn đe, phòng ngừa vi phạm.
Điều này dẫn đến tình trạng một số tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hiện đang tồn tại tâm lý là chấp nhận nộp phạt vi phạm hành chính vẫn có lợi hơn so với việc chấp hành đúng quy định của pháp luật hoặc vẫn có tư tưởng xem nhẹ sai phạm đó.
Điển hình như các hành vi vi phạm quy định trong việc ban hành, phổ biến và thực hiện nội quy, biển báo, biển cấm, sơ đồ, biển chỉ dẫn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, hành vi thực hiện không đầy đủ hoặc không đúng thời hạn các yêu cầu về PCCC và cứu nạn, cứu hộ đã được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu bằng văn bản...
Vì vậy, để đảm bảo phù hợp với các quy định mới của pháp luật, bảo đảm tính khả thi, tăng cường răn đe, giáo dục cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính thì việc ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ là cần thiết.