FV - "4 tại chỗ" trong PCCC là phương châm đặt ra nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn dập tắt đám cháy và hạn chế thiệt hại về người và tài sản khi lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp chưa kịp tiếp cận hiện trường.
Quận Hoàn Kiếm là một trong những quận trung tâm, mang nhiều ý nghĩa về văn hoá, lịch sử của Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những quận tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ phức tạp.
Thượng tá Hoàng Trung Kiên, Phó trưởng Công an quận Hoàn Kiếm cho biết, tính chất đặc thù của quận là địa bàn kinh doanh dịch vụ du lịch, phố có nhiều ngóc ngách nhỏ, khu phố cổ đa phần là nhà cũ, chật hẹp, cơ sở vật chất xuống cấp nên nếu xảy ra hoả hoạn, thiệt hại về người và tài sản sẽ rất lớn. Thượng tá Hoàng Trung Kiên cũng cho biết thêm, "thời điểm vàng" trong phòng cháy, chữa cháy (PCCC) chỉ vỏn vẹn trong 5 phút, do đó việc phát huy tối đa vai trò của phương châm "4 tại chỗ" đối với quận Hoàn Kiếm càng mang ý nghĩa quan trọng.
"4 tại chỗ" trong PCCC là phương châm đặt ra nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn dập tắt đám cháy và hạn chế thiệt hại về người và tài sản khi lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp chưa kịp tiếp cận hiện trường.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, UBND TP Hà Nội về tăng cường đảm bảo an toàn PCCC trong tình hình mới với quan điểm "Lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, đảm bảo an toàn tính mạng của người dân là trên hết, trước hết", quận Hoàn Kiếm đã triển khai nhiều mô hình để đảm bảo các điều kiện cần thiết nhằm sẵn sàng huy động tối đa các lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy tại khu dân cư theo phương châm "lực lượng ở trong dân, phương tiện ở trong dân, hậu cần ở trong dân, chỉ huy ở trong dân".
Công an 18 phường trên địa bàn quận đã cùng với chính quyền địa phương rà soát và thành lập nhiều mô hình chữa cháy dựa trên phương châm này, tiêu biểu là mô hình "Tổ liên gia an toàn PCCC" và "Điểm chữa cháy công cộng"
"Tổ liên gia an toàn PCCC" là mô hình được thành lập từ 5 hộ dân liền kề, bao gồm hộ sinh sống và hộ sinh sống kết hợp sản xuất, kinh doanh. Mỗi hộ gia đình cần trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy xách tay và 1 dụng cụ phá dỡ như xà beng, kìm cộng lực, búa, rìu... Chuông báo cháy được lắp đặt tại tầng 1, nút ấn được lắp cả trong và ngoài nhà. Nút ấn và chuông báo cháy của các hộ gia đình trong tổ được liên kết với nhau, bảo đảm khi ấn bất kỳ nút nào, toàn bộ chuông đều kêu. Song song với đó, mỗi hộ gia đình đều có ít nhất 1 thành viên đã được tập huấn, hướng dẫn những kỹ năng cơ bản để có thể xử lý tình huống và sử dụng thành thạo các phương tiện PCCC, chuẩn bị sẵn các phương án thoát nạn, phổ biến đến tất cả các thành viên trong gia đình phòng khi có sự cố xảy ra.
Về mô hình "Điểm chữa cháy công cộng", các điểm được đặt tại các ngõ, hẻm tập trung nhiều hộ sinh sống có chiều sâu từ 50m trở lên mà xe chữa cháy không thể tiếp cận được. Cụ thể, mỗi điểm đều được trang bị các phương tiện PCCC và cứu nạn cứu hộ (CHCN) như tối thiểu 2 bình bột chữa cháy, các dụng cụ phá dỡ như xà beng, kìm cộng lực, búa, rìu,... Ngoài ra tiêu lệnh chữa cháy, quy trình xử lý khi có sự cố, những nội quy hướng dẫn sử dụng các trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác chữa cháy, CNCH được ghi rõ bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt. Những trang thiết bị tại "Điểm chữa cháy công cộng" đều được thiết kế, lắp đặt ở vị trí thuận lợi nhất cho người dân sử dụng, từ đó tận dụng được "thời điểm vàng" trong PCCC. Khi khảo sát địa bàn quận, những mô hình PCCC dựa trên phương châm "4 tại chỗ" của quận Hoàn Kiếm đều nhận được sự đồng tình và ủng hộ rất lớn từ người dân.
Đối với bà Hà Thị Hồng, cư dân phường Cửa Nam, Hoàn Kiếm, việc triển khai các mô hình PCCC trên địa bàn đã khiến bà thấy an tâm hơn rất nhiều: "Sau vụ hoả hoạn ở Khương Đình, quận Thanh Xuân, người dân chúng tôi đều cảm thấy lo sợ, đề phòng xảy ra cháy. Được Công an quận Hoàn Kiếm, Công an và chính quyền phường Cửa Nam tích cực vận động, tuyên truyền, tập huấn công tác PCCC, người dân chúng tôi thấy bớt lo lắng hơn, đồng thời, có ý thức hơn trong việc PCCC. Các hộ gia đình đều tự nguyện cắt chuồng cọp, mở lối thoát hiểm thứ 2, tự trang bị những thiết bị chữa cháy cho gia đình. Mọi khó khăn, thắc mắc về cách sử dụng hay về công tác phòng cháy đều được Công an phường hướng dẫn, giải đáp kỹ càng" - bà Hồng chia sẻ.
Theo báo cáo gần nhất của Công an quận Hoàn Kiếm, bên cạnh tỷ lệ 100% hộ dân cắt chuồng cọp, mở lối thoát hiểm thứ 2, quận đã thành lập được 631 "Tổ liên gia an toàn PCCC", trong đó có 181 tổ đảm bảo tiêu chí của Bộ Công an, 450 tổ đáp ứng tiêu chí của UBND TP Hà Nội. Trên địa bàn quận đã có hơn 67% các hộ dân tự trang bị bình xịt chữa cháy. Về "Điểm chữa cháy công cộng", quận đã triển khai và duy trì 1.243 điểm tại 842 ngõ sâu với 2.486 bình xịt chữa cháy.
Những con số trên là kết quả của những sáng tạo, đổi mới trong công tác tuyên truyền của Công an quận Hoàn Kiếm trong công tác PCCC và CNCH. Bên cạnh việc phát các cẩm nang hướng dẫn PCCC, treo áp phích, mở các buổi tập huấn phòng, chống cháy nổ, Công an quận Hoàn Kiếm đã tham mưu cho UBND quận tổ chức hội thi "Tuyên truyền viên PCCC và CNCH". Hội thi đã được sự nhiệt tình hưởng ứng và tham gia của 18 phường trên địa bàn quận. Mỗi phường tham dự vào hội thi đều mang đến một bài tuyên truyền được đầu tư kỹ lưỡng, mang màu sắc riêng, phù hợp với đặc điểm của từng phường, mới lạ mà cũng gần gũi, dễ tiếp thu với người dân.
"Nước xa không cứu được lửa gần", câu nói mang nhiều ý nghĩa sâu sắc này được đúc kết từ thực tế cuộc sống. Hoả hoạn có thể phát sinh ở bất cứ đâu, bất cứ thời điểm nào nên ý thức, trách nhiệm trong phòng ngừa, vai trò, kỹ năng của người dân đối với công tác PCCC và CNCH lại càng phải được chú trọng.
Thượng tá Hoàng Trung Kiên cho biết: "Mỗi một đám cháy to đều bắt đầu từ một đốm lửa nhỏ, thiệt hại sẽ được giảm xuống mức tối đa nếu như chúng ta có thể dập tắt đám cháy, ngăn chặn nguy cơ cháy lan trong 5 phút kể từ khi xuất hiện cháy. Thời gian tới, Công an quận tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức nhiều buổi tập huấn công tác PCCC và CHCN cho nhân dân, đồng thời tăng cường kiểm tra, rà soát, xử lý sai phạm trong PCCC nhằm phát huy tốt nhất phương châm "4 tại chỗ". Tuy nhiên việc phát huy được hiệu quả của các mô hình PCCC hay không cốt vẫn là ở người dân. Mỗi người dân phải được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng, các trang thiết bị xử lý cháy nổ, trong đó cần chú trọng công tác phòng ngừa, để mỗi người dân đều đồng hành với lực lượng chức năng trên mặt trận chống "giặc lửa"".